27/10/2020
Hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)
Với đặc thù là sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thị xã Ngã Năm thực hiện nhiều giải pháp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất. Nổi bật là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã nâng giá trị hàng nông sản ở địa phương, giúp nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp tăng thu nhập.
Cây Mãng cầu gai được xem là cây trồng tiềm năng nhất ở thị xã Ngã Năm trong những năm qua; bởi phù hợp với thổ nhưỡng và sản phẩm từ cây mãng cầu gai được người dân thị xã Ngã Năm chế biến thành những sản phẩm thực phẩm đặc trưng vùng miền. Hiện có 05 sản phẩm từ cây Mãng cầu gai đạt chứng nhận OCOP, trong đó: 03 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao, còn lại đạt chuẩn 03 sao, hiện đang được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng trong cả nước. Ông Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty Trà mãng cầu gai Cẩm Thiều, bày tỏ: “Là một người con sống trong gia đình có truyền thống trồng cây mãng cầu gai, từ năm 2013 nhìn thấy cây mãng cầu gai mặc dù có lợi ích kinh tế nhưng đầu ra còn hạn hẹp. Để phát triển mạnh mẽ và bền vững thì nảy sinh làm ra những sản phẩm nhằm tăng giá trị cho cây mãng cầu, từ đó giúp đầu ra trái mãng cầu gai ổn định hơn, nông dân tăng thu nhập”.
Nông dân chăm sóc vườn nguyên liệu đạt chuẩn VietGap.
Nếu như giá trái mãng cầu gai trước khi thực hiện sản phẩm OCOP không ổn định chỉ từ 8.000 cho đến 15.000 đồng/kg, đến nay với giá thu mua ổn định từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Hàng tháng các cơ sở kinh doanh sản xuất hơn 500 kg trà, với sản lượng trái tươi từ 05 tấn trở lên, giúp nhà vườn tăng thu nhập, diện tích trồng mãng cầu gai ở thị xã Ngã Năm không ngừng tăng lên, đến nay trên 350 ha. Đặc biệt địa phương còn hình thành vùng sản xuất theo chương trình Việt Gap, giúp tạo được sự an toàn cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Vân - Hợp tác xã trồng mãng cầu gia Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, phấn khởi chia sẻ: “Trước kia làm ruộng thì thu nhập không được bao nhiêu, sau này chuyển đổi sang cây mãng cầu thì đời sống rất khỏe, nói chung 01 công mãng cầu thì 03 công làm lúa không bằng”.
Ngoài sản phẩm từ cây mãng cầu gai, Ngã Năm còn phát triển thêm sản phẩm đặc thù của vùng lúa thơm Ngã Năm như “Gạo Sữa An Cư” tại xã Tân Long được làm từ giống lúa OM4900, đạt chứng nhận 03 sao rất hấp dẫn người tiêu dùng về chất lượng gạo ngon, dẻo cơm và hương vị đậm đà. Hiện được bán với giá từ 16.000 -18.000 đồng/kg, cao hơn 35% so với giá gạo thông thường của giống OM4900, giúp nâng giá trị hạt lúa ở địa phương và tăng thu nhập cho nông hộ nằm trong vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Ông Trần Văn Cư - Doanh nghiệp Gạo Sữa An Cư xã Tân Long, chia sẻ: “Sản phẩm phát triển trên vấn đề OCOP rất hay, vì tham gia OCOP mình có thể nhận biết các thông số chất lượng của hạt gạo qua vấn đề quan trắc, đo đạc. Từ đó đánh giá được chất lượng và đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm của mình”.
Quy trình đóng góp sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, đến nay toàn thị xã đã đạt được 06 sản phẩm OCOP, có 03 sản phẩm đạt chứng nhận 04 sao và 03 sản phẩm đạt chứng nhận 03 sao; hiện những sản phẩm này được doanh nghiệp và chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hướng đến 05 sao và 04 sao. Đồng thời lập hồ sơ chứng nhận thêm sản phẩm Mắm cá rô không xương ở xã Tân Long và Mắm tép ở Phường 3. Bên cạnh đó, tiến hành khai thác hai sản phẩm tiềm năng khác như Chợ nổi Ngã Năm và đan chiếu truyền thống ở xã Mỹ Quới. Ông Hồng Minh Nhật - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, cho biết: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá những sản phẩm chủ lực, tiềm năng và lợi thế của thị xã chưa tham gia vào khâu chế biến để nâng giá trị gia tăng; tiếp tục tập huấn cho hộ nắm được các chủ trương, chính sách và thủ tục liên quan đến phát triển những sản phẩm OCOP. Phân công thành viên Hội đồng hỗ trợ những chủ thể OCOP thực hiện nâng chất những sản phẩm và phát triển những sản phẩm OCOP mới; quan tâm hỗ trợ cho chủ thể OCOP tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh”.
Hiện trên địa bàn thị xã Ngã Năm vẫn còn nhiều tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp đang chờ khai thác và chương trình mỗi xã phường một sản phẩm đã góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất ở địa phương, giới thiệu cho bạn bè trong vùng biết đến những đặc sản của vùng quê sông nước này; đồng thời xây dựng thương hiệu đặc trưng của vùng miền và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.
Tuấn Phi